Anh V thắc mắc
Tháng 9/2022 tôi có mua một căn hộ chung cư của ông A, theo tìm hiểu, tôi được biết, căn hộ được bàn giao cho bà B từ năm 2017, nhưng bà B không đến ở cho đến khi bán lại cho ông A vào năm 20220.
Thời điểm tôi dọn vào ở, căn hộ có điện, nước và các dịch vụ khác đầy đủ (ông A sống ở căn chung cư đó từ năm 2020 đến năm 2022). Sau khi dọn vào ở, BQL gửi thông báo yêu cầu tôi phải đóng 40 triệu đồng khoản nợ phí quản lý và phí bảo trì từ năm 2017 – 2022, nếu tôi không đóng, căn hộ của tôi sẽ bị ngưng dịch vụ.
Hiện tại, BQL tòa nhà chung cư nơi tôi sống chỉ mới quản lý tòa nhà từ năm 2019, các thành viên thuộc BQT ứng cử năm 2020 ( BQL thu hộ phí bảo trì cho BQT).
Trước đây, ông A đã phải trả khoản nợ tương tự từ cuối năm 2017-2020 (là thời gian bà B là chủ hộ).
Đối với trường hợp này, BQL giải thích rằng, tôi mua căn hộ có nợ thì tôi phải có chịu trách nhiệm trả khoản nợ đó. Tôi rất bối rối vì luật sư tư vấn cho tôi rằng, căn hộ không mang nợ mà bà B mới là người chịu trách nhiệm về khoản nợ, trong khi đó thì một luật sư khác lại có cùng quan điểm với BQL.
Xin hỏi luật sư, BQL làm như vậy có đúng với quy định của pháp luật hay không? Trách nhiệm trả khoản nợ này thuộc về tôi, ông A hay bà B; BQL có quyền ngưng dịch vụ không khi tôi có công chứng mua bán căn hộ đàng hoàng?…
Mong luật sư giải đáp giúp tôi các thắc mắc này. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư giải đáp
Theo nguyên tắc thì phí bảo trì, quản lý chung cư do tập thể chung cư thống nhất trong Hội nghị nhà chung cư, BQT nhà chung cư là đơn vị phụ trách thu khoản phí này để sử dụng cho mục đích quản lý, vận hành, bảo trì nhà chung cư. Vì vậy, đối tượng phải nộp các khoản phí này chính là cư dân đang sinh sống trong chung cư đó, cư dân có thể thanh toán các khoản phí theo tháng, quý, năm hay ½ năm tùy theo quy chế của nhà chung cư đã được tập thể thống nhất thông qua.
Trường hợp của bạn đã mua lại căn hộ chung cư từ ông A, ông A trước đây có mua lại căn hộ của bà B, vì vậy việc mua bán hợp đồng chuyển nhượng có công chứng hợp lệ thì quyền và nghĩa vụ đối với căn hộ chỉ thực sự phát sinh từ thời điểm bạn ký và hợp đồng có hiệu lực. Như vậy, bạn chỉ có trách nhiệm đối với các khoản phí nói trên kể từ khi bạn là chủ sở hữu của căn hộ. Đối với các khoản phí của ông A và bà B, trách nhiệm đó phát sinh khi bạn chưa mua căn hộ thì các khoản phí này chưa có trách nhiệm. BQL chung cư không thu đầy đủ phí phát sinh của chủ cũ trước khi họ rời đi, chứng tỏ sự yếu kém trong quản lý thì nay không thể yêu cầu bạn phải đóng được nếu bạn không tự nguyện đóng.
Bên cạnh đó, chủ cũ của căn hộ không hề nói cho bạn biết về các khoản nợ phí này, giữa hai bên không hề có thỏa thuận về chuyện bạn phải nộp các khoản phí thay họ. Vì thế, bạn hoàn toàn có quyền từ chối nộp các khoản phí này giúp chủ cũ của căn hộ. Đồng thời, BQT cũng không có quyền lấy lý do này để ngưng cung cấp dịch vụ đối với căn hộ của bạn.