Thời trước, Ban quản trị chung cư được coi là nơi sinh hoạt của những người về hưu hoặc nếu còn trẻ thì cũng phải là người nhàn rỗi để làm những công việc chung của tòa nhà/chung cư gọi chung là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tuy nhiên, ở thời đại 4.0, BQL là người được phép đại diện quản lý, sử dụng số tiền khổng lồ từ quỹ bảo trì thì câu chuyện đã trở nên khác…
1001 câu chuyện xoay quanh quỹ bảo trì chung cư
Luật Nhà ở quy định, đối với nhà chung cư có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị tòa nhà/chung cư. Ngay sau khi thành lập BQT, chủ đầu tư sẽ phải bàn giao lại toàn bộ khoản phí bảo trì cho BQT quản lý (2% giá trị các căn hộ). Bên cạnh đó, tòa nhà/chung cư còn có nhiều khoản phí khác như: phí dịch vụ, phí quảng cáo, phí cho thuê một số phần diện tích trong chung cư.
Ban quản trị là đơn vị quyết định việc lựa chọn đơn vị quản lý, cung cấp các dịch vụ trên.
Thời gian vừa qua, liên tiếp có các vụ tranh chấp giữa cư dân với BQT tòa nhà/chung cư, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quỹ bảo trì, phí quản lý vận hành tòa nhà…
Đơn cử như trường hợp một tòa nhà chung cư ở Hà Đông (Hà Nội), trưởng BQT bị cư dân tố khuất tất trong việc chi tiêu quỹ bảo trì, thuê đơn vị quản lý. Cũng theo cư dân tòa nhà chung cư này cho biết, trưởng BQT đã cho thuê phần diện tích chung tòa nhà chung cư mà không công khai mức giá, nguồn thu.
Cư dân chung cư chia sẻ, trước khi trở thành trưởng BQT chính thức, vị trưởng ban này là người tích cực đảm bảo quyền lợi cho người dân và yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì sớm.
Tuy vậy, khi được bầu làm trưởng ban quản trị chính thức, vị này lại có thái độ thờ ơ với công việc chung của tòa nhà/chung cư như nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, nhiều cư dân còn cho rằng BQT đã thỏa hiệp với chủ đầu tư thay vì đấu tranh đòi quyền lợi cho cư dân.
Sau khoảng thời gian căng thẳng khiến cư dân liên tục tổ chức biểu tình, gửi đơn thư tố cáo gây sức ép thì mới đây tòa nhà/chung cư mới tổ chức hội nghị chung cư bất thường. Mặc dù vậy, cựu trưởng BQT vẫn gây khó khăn trong việc bàn giao quỹ bảo trì của hơn 1000 căn hộ, tương đương gần 40 tỉ đồng.
Chưa kể đến, trong thời gian giữ chức vụ này, trưởng BQT còn đi ứng cử vào vị trí tương đương ở một tòa nhà chung cư khác.
Hoặc như trường hợp ở một chung cư ở quận Hoàng Mai, từ khi nhận bàn giao đến thời điểm hội nghị nhà chung cư họp, giữa cư dân và chủ đầu tư liên tục diễn ra tình trạng căng thẳng về phí dịch vụ, quản lý tòa nhà… Đặc biệt, các căng thẳng này đều do nhóm đại diện BQT vạch ra và kích động cư dân tòa nhà biểu tình.
Trong nhóm cư dân trên mạng xã hội, chỉ cần một ai đó đưa ra ý kiến trái chiều với nội dung BQL đưa ra thì ngay lập tức bị quản trị viên xóa khỏi nhóm.
Đại diện chủ đầu tư tòa nhà/chung cư cũng cho hay, tuy là đấu tranh đòi quyền lợi cho cư dân nhưng khi chủ đầu tư mời BQT đến làm việc thì thành viên trong nhóm này lại không đến. Nhóm này ra điều kiện đòi quyền lợi riêng cho bản thân của mình và yêu cầu phải được đáp ứng, nếu không được họ tiếp tục xúi cư dân đấu tranh.
“Nhiều khi họ còn lợi dụng thời điểm chủ đầu tư có dự án mới để tung tin đồn xấu”, chủ đầu tư chia sẻ.
“Chìa khóa” chấm dứt tranh chấp tòa nhà/chung cư
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, các chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà/chung cư sử dụng kinh phí, phí bảo trì không tuân thủ hoặc không tuân thủ đầy đủ quy định dẫn đến tình trạng có nhiều xích mích, đơn thư khiếu nại.
Cư dân tại nhiều tòa nhà/chung cư phản ứng quyết liệt với chủ đầu tư, BQT bằng cách biểu tình, căng băng rôn gây mất mỹ quan đô thị, tạo hình ảnh xấu ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Nhằm giải quyết các tình trạng trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyền & trách nhiệm theo Nghị định 99 năm 2015 do Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện một số điều về Luật Nhà ở.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với công an trên địa bàn để xử lý trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT theo quy định của tòa nhà/chung cư.
BQT nhà chung cư phải có trách nhiệm quản lý quỹ bảo trì theo quy định và sử dụng kinh phí này theo đúng quy định của Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng, đồng thời công khai, minh bạch thông tin…
Giao Thanh tra Bộ công tác kiểm tra, thanh tra các bất cập về chính sách, pháp luật về nhà ở trong công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo trì để kiến nghị, báo cáo với lãnh đạo Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu phạm tội về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tòa nhà/chung cư thì có thể chuyển cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
-Theo Báo Lao động-